Sau ngày toàn quốc kháng chiến, các huyện Định Hoá, Đại Từ, Phú Lương và Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên), huyện Chợ Đồn, Chợ Mới (tỉnh Bắc Kạn), huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hoá (tỉnh Tuyên Quang) trở thành ATK (An toàn khu) của Trung ương, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan đầu não thường di chuyển chỉ đạo kháng chiến.
Bác sống trong sự chở che, đùm bọc của bà con dân tộc Tày, Nùng, Dao ở Khuôn Tát, Tỉn Keo, Nà Lọm… Đèo De - Núi Hồng nơi giáp ranh giữa xã Phú Đình (Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) với Tân Trào (Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang). Hồi kháng chiến, bản làng nghèo nàn, thưa thớt, kẻ địch không ngờ là nơi “Chùa rách Bụt vàng”, như lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bởi dưới chân đèo De có mái lán Tỉn Keo. Tại đây, ngày 6/12/1953, Bác chủ tọa hội nghị Bộ Chính trị, quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ.
Hãy còn đó 128 điểm di tích lịch sử ATK, ghi dấu một thời hào hùng. Đồi Khau Tý, Bác ở làm việc đầu tiên ở chiến khu Việt Bắc (20/5/1947), nơi Bác hoàn thành tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, giáo dục đạo đức cách mạng, phương pháp lãnh đạo cho cán bộ, đảng viên, đến nay vẫn mang tính thời sự.
Tổng Bí thư Trường Chinh ở Nà Mòn (xã Phú Đình), Chủ tịch Tôn Đức Thắng ở Bản Lá, đồng chí Hoàng Quốc Việt ở Roòng Khoa (xã Điềm Mặc), Đại tướng tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ở Bảo Biên (xã Bảo Linh), Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh ở Thẩm Tắng, báo Quân đội nhân dân ở Khau Diều (xã Định Biên)…
Vào dịp kỷ niệm 115 năm, sinh nhật Bác (19/5/2005) khánh thành Nhà tưởng niệm Bác do Bộ chính trị giao cho Hà Nội và Thái Nguyên xây trên quả đồi hình mu rùa đỉnh đèo De, phía sau là dãy núi Hồng.
Ông Nguyễn Văn Thắng (thứ hai bên trái) cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước cắt băng khánh thành công trình tôn tạo Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Đèo De
Hai bên có núi non bao bọc, nhìn xuống cánh đồng Tỉn Keo, Nà Lọm, cách di tích Bác Hồ ở Tỉn Keo độ 600m, cách nhà lán và cây đa Bác Hồ ở Khuôn Tát độ 1.000m, nhìn thấy thác 7 tầng Khuôn Tát như 7 bậc thang nhà sàn, cách Tân Trào 7km.
Nhà tưởng niệm Bác có địa thế “Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ”, tổng diện tích 16.000m2, gồm Tứ trụ, Tam quan, lầu chuông, lầu khánh, nhà dâng hương tưởng niệm, trưng bày hình ảnh, tư liệu về danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc.
Nhà tưởng niệm Bác diện tích sàn 625m2, mái ngói đỏ, đầu đao cong vút, tầng trệt là nơi đón khách, sắp lễ, chiếu phim tư liệu về Bác, tầng trên dâng hương, khuôn viên, đường bao quanh như đoá hoa sen nở, giữa những cánh sen là 79 cây vạn tuế, hàng râm bụt ngời hoa đỏ lấy giống từ bờ râm bụt cổ thụ Bác trồng ở Tỉn Keo.
Trong nhà tưởng niệm, bức tượng đồng bán thân chân dung Bác Hồ mới được thay (16/8/2008) bằng bức tượng đồng Bác Hồ toàn thân do họa sĩ Nguyễn Phú Văn tạo mẫu: Bác ngồi trên ghế dựa, ung dung tự tại, một tay đặt trên thành ghế, tay cầm bao kính đặt trên đùi, nét mặt hiền từ, gần gũi mọi người, phù hợp với truyền thống, tâm linh người Việt và không gian kiến trúc Nhà tưởng niệm Bác. Tượng cao 171cm, nặng 4 tấn được dát vàng...
Kỷ niệm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9/2008, tới dự lễ khánh thành công trình, tôn tạo khuôn viên Nhà Tưởng niệm và tượng Bác Hồ, có nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban tổ chức T.Ư Hồ Đức Việt; Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Quân…
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Cty cổ phần xuất nhập khẩu Thái Nguyên đã cung tiến 7 tỷ đồng để xây dựng các hạng mục nói trên tại Nhà Tưởng niệm. Người cựu chiến binh giờ là doanh nhân khiêm nhường cho biết: Bác Hồ mất năm tôi 12 tuổi, dân cả xóm Trại (Bình Thuận, Đại Từ) quê tôi tập trung trước cái đài của bố tôi.
Nghe tin Bác ra đi từ già đến trẻ khóc như mưa. Bố xoa đầu tôi, khóc: “Bác là vị cha già dân tộc, lãnh đạo nhân dân ta giành độc lập từ tay giặc Pháp, mới có đời sống ấm no. Các con phải học cho giỏi, thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy…”.
Tôi không bao giờ quên ngày ấy và lời dặn dò của bố và nỗ lực học tập tốt, sau vào bộ đội, 7 năm từ Thái Nguyên vào Buôn Ma Thuột. Học xong Đại học Kinh tế, tôi về Cty Xuất nhập khẩu Bắc Thái. Đủ năm công tác, nghỉ chế độ, tôi bước vào thương trường với khao khát làm giàu.
Tôi thành lập Cty cổ phần xuất nhập khẩu và đầu tư Thái Nguyên, Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần điện lực Việt - Trung, xây nhà máy nhiệt điện 110 mê ga oát ở An Khánh, Đại Từ. Tuy nhiên việc gánh vác trọng trách Phó Chủ tịch HĐQT, Cty liên doanh khai thác với Canada chế biến khoáng sản Núi Pháo mới là thách thức lớn.
Sau 4 năm triển khai, Cty chúng tôi đã bồi thường giải phóng mặt bằng được 70% khu mỏ đa kim Núi Pháo ở Hà Thượng, xây dựng 3 khu tái định cư phục vụ trên 300 hộ dân vùng dự án đạt tiêu chuẩn EU, được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Vượng, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Xuân Đương đến kiểm tra khen.
Vào năm 2010 mỏ đi vào khai thác sẽ đóng góp cho ngân sách Thái Nguyên 200 tỷ đồng/năm (tổng thu của tỉnh 2007 trên 800 tỷ đồng).
Ông Thắng bộc bạch: “Tôi không phải giàu có lắm nhưng tôi luôn muốn có cơ hội được biểu lộ tâm đức với Bác Hồ kính yêu và việc tôn tạo khuôn viên Nhà tưởng niệm Bác, đắp núi sau Đền, làm bãi đỗ xe, lầu khánh, đúc tượng Bác Hồ toàn thân chỉ là chút lòng thành của một người dân đất Việt”.
Được biết năm 1998, anh Thắng còn đóng góp xây đài tưởng niệm 60 liệt sĩ Đại đội 915 TNXP hy sinh ở Gia Sàng (24/12/1972), được UBND thành phố Thái Nguyên tặng bằng khen; công đức 2 tỷ đồng xây dựng chùa Sơn Dược ở Bình Thuận, Đại Từ; ủng hộ, xây dựng một số nhà tình nghĩa, lớp học cho trẻ em ở Thái Nguyên…