Khi ông Nguyễn Văn Thắng (ảnh), Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Nhiệt điện An Khánh, giành phần thắng trong thương vụ M&A dự án khai thác quặng đa kim Núi Pháo trị giá nhiều tỷ USD, ngay cả các đối thủ cũng phải thừa nhận tài trí và bản lĩnh của ông. Tuy vậy, ông Nguyễn Văn Thắng cho rằng: “Bí quyết của thành công đó có mạch nguồn từ niềm tin giản dị: Vì mình là người Việt Nam. Mình làm đúng và làm lợi cho đất nước”.
Duyên nợ Núi Pháo
Doanh nghiệp của ông Nguyễn Văn Thắng là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên dám đầu tư cả chục nghìn tỷ đồng vào 2 dự án nhiệt điện lớn thuộc nhóm A do Chính phủ quản lý. Nhưng ông được dư luận biết đến nhiều hơn qua thương vụ M&A dự án khai thác quặng đa kim Núi Pháo, một dự án khai khoáng tầm cỡ thế giới.
Từ vị thế một cổ đông nhỏ nắm giữ 15% liên doanh, ông Thắng đã giành chiến thắng tuyệt đối trước nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực kinh tế mạnh gấp nhiều lần. Thay vì thân phận một quân cờ, ông trở thành người ra luật chơi và tự quyết định số phận của mình khi chủ động tìm kiếm và hợp tác với Tập đoàn Masan để tiếp tục thực hiện dự án.
- Dư luận đồn đoán, chắc hẳn phải cao tay lắm ông mới giành được chiến thắng trong thương vụ trị giá nhiều tỷ USD như vậy?
Thay vì trả lời, ông Thắng cười, cúi xuống gỡ bỏ đôi dép da, để lộ ra đôi bàn chân xù xì, đen đúa, chậm rãi nói:
- Nhiều người gọi tôi là “đại gia”. Nhưng sự thật tôi chưa phải là người giàu. Đôi bàn chân không bao giờ hết vết lấm ruộng bùn này là minh chứng của thời quá khứ nghèo khổ và cũng là điểm xuất phát cho khát khao vươn lên.
Ngừng lại giây lát, ông tâm sự: “Tuổi Đinh Dậu của tôi thường nuôi dưỡng khát khao rất lớn. Khát như uống nước biển. Càng uống càng khát. Tôi theo đuổi dự án Núi Pháo từ năm 1996. 15 năm trước đã phải đi vận động từ các cơ quan chức năng, tới từng người dân để đặt được mũi khoan đầu tiên. Bao nhiêu trí lực, tài lực, sức lực đổ hết vào đó. Dễ gì có thể buông xuôi, chấp nhận thua cuộc".
Trong quá khứ ông Thắng đã một lần bị đối tác nước ngoài đầu tiên trong dự án Núi Pháo “bán trao tay” sang nhà đầu tư nước ngoài khác. Với tỷ lệ góp vốn 30%, các nhà đầu tư trong nước không thể có tiếng nói đủ mạnh trong hội đồng thành viên.
Tới lần này, trong khi một nhà đầu tư trong nước đã cam lòng rút vốn ra đi, ông Thắng lại có quyết định khác: Phải chuyển yếu thành mạnh. Đất nước đã hội nhập quốc tế, mọi hành động đều phải dựa vào pháp luật và chuẩn mực quốc tế.
Tình thế lúc đó vô cùng khó khăn, nhưng ông quyết tâm hành động với niềm tin: “Mình là người Việt Nam nên có sự thấu hiểu. Mình làm đúng vì mong muốn phát huy giá trị nguồn tài nguyên của đất nước. Vì vậy, không lẽ gì không thể giành chiến thắng”.
Trong cuộc đấu trí này, nhiều thời điểm ông Thắng rơi vào tình thế ngàn cân treo sợi tóc, nhưng niềm tin Việt Nam đã giúp ông kiên định và tiếp tục đấu tranh đến chiến thắng cuối cùng.
Cũng ít người biết rằng để có đủ nghị lực vượt qua gian nan, trong con người ông Thắng còn có một sức mạnh tiềm ẩn khác. Dự án Núi Pháo chính là dự án lớn nhất, có sức đổi thay quê hương Đại Từ (Thái Nguyên) là mảnh đất ông chôn nhau cắt rốn.
Ở vùng này, ông cụ thân sinh của ông, vốn là Trưởng ty Tài chính Bắc Thái, vẫn được người dân địa phương nhớ tới bằng cái tên "Cụ Lịch tài chính" bởi đức liêm chính. Ông muốn noi gương người cha đã khuất, góp phần làm rạng danh quê hương. Ông Thắng cho biết, chỉ còn 2 năm nữa thôi, dự án Núi Pháo sẽ mang lại nguồn thu cho ngân sách trên 2.000 tỷ đồng mỗi năm.
Dám tạo sự khác biệt
Hơn một năm trước, ông Thắng và Tập đoàn Masan bắt tay tái khởi động dự án khai thác quặng đa kim Núi Pháo trong sự hoài nghi của nhiều người. Chính phủ đồng ý giao cho các nhà đầu tư trong nước tiếp tục thực hiện dự án với điều kiện phải xuất khẩu sản phẩm đã qua tinh luyện, thay vì theo mục tiêu xuất bán quặng thô của nhà đầu tư trước đây.
Vốn đầu tư trên 500 triệu USD đã là một bài toán khó, nhưng hóc búa hơn là làm chủ công nghệ khai thác và chế biến quặng đa kim rất phức tạp, chưa từng được áp dụng ở Việt Nam.
Gần đây, có một câu chuyện được nhiều người biết đến trong chuyến thị sát của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại dự án khai khoáng Núi Pháo. Trình bày với Chủ tịch nước về việc các vị trí chủ chốt trong bộ máy điều hành dự án đều do người nước ngoài thực hiện, ông Thắng lý giải: “Người Việt Nam hoàn toàn có thể ở vị trí các ông chủ, thuê chuyên gia nước ngoài làm việc, mang lại lợi ích cho ta”. Nhìn lại chặng đường đã qua, ông Thắng cho rằng mình quyết tâm theo đuổi sự nghiệp kinh doanh vì ông dám khác biệt, dám suy nghĩ khác và dám hành động khác. Năm 1992, ở tuổi 35, đang làm cán bộ ngoại thương, ông Thắng quyết định xin nghỉ việc, ra thành lập CTCP Xuất nhập khẩu và Đầu tư Thái Nguyên. Vào cái thời “nhà mặt phố, bố ngoại thương”, quyết định đó bị coi là dại dột. Nhưng ông Thắng lại nghĩ khác. Bố ông cả một đời công tác liêm chính, cống hiến cho đất nước, tới tuổi nghỉ hưu lại thanh thản trở về quê hương sống trong căn nhà dột mái. Nhưng thế hệ của ông phải khác. Đất nước đã đổi mới, phải có những người dám dấn thân, dám nuôi hoài bão làm giàu. Ông đã thấu cái đói của người nghèo và cái hèn của kẻ không có tiền. Và ông hiểu đã đến lúc phải làm khác đi. - Gia đình phản ứng với quyết định của ông như thế nào? - Ông cụ tôi cũng là người có tư tưởng đổi mới. Khi tôi hỏi ý kiến, ông cụ suy nghĩ đúng một tuần, sau đó gọi tôi về trả lời rằng: “Anh đã lớn rồi, tự quyết định lấy tương lai của mình”. Tôi hiểu ý cụ, nên càng vững tâm khởi nghiệp. Đến bây giờ ông Thắng vẫn chứng tỏ bản lĩnh của một doanh nhân dám làm những việc khác biệt. Mà nói chính xác hơn, đó chính là tầm nhìn của một doanh nhân có hoài bão lớn. Mặc dù thị trường điện còn mang nặng tính độc quyền, thiếu cạnh tranh nên chưa hấp dẫn đầu tư, ông Thắng vẫn quyết định đầu tư trên 13.200 tỷ đồng xây dựng Nhà máy nhiệt điện An Khánh 1 và An Khánh 2 tại tỉnh Thái Nguyên với tổng công suất 400MW. Trong khi nhiều nhà máy nhiệt điện trong nước loay hoay với bài toán nguyên liệu, ông Thắng chủ động ra nước ngoài thành lập liên doanh khai thác than, bảo đảm nguồn nguyên liệu lâu dài cho nhà máy. Theo tính toán của ông, chỉ vài năm nữa, khi các dự án nhiệt điện đi vào hoạt động ổn định, mỗi năm sẽ cho lãi ròng trên dưới 1.000 tỷ đồng. Một con số thật đáng để mơ ước và hành động. Năm nay, ở tuổi 54, ông Thắng đang làm chủ đầu tư 11 dự án, trong đó có 3 dự án nhóm A do Chính phủ quản lý. Điều đáng nể ở ông là tài quản trị doanh nghiệp, quản lý dự án. Các dự án do ông đảm nhận đều thực hiện đúng tiến độ kế hoạch. Đặc biệt dự án khai thác quặng đa kim Núi Pháo và 2 dự án nhiệt điện thuộc sơ đồ điện VI đều được thực hiện đúng tiến độ cam kết với Chính phủ. Ông còn được các cộng sự nể trọng bởi sức làm việc phi thường. Có ngày lịch làm việc của ông kéo dài tới 17-18 giờ. Lao tâm khổ tứ là vậy, nhưng niềm đam mê trong ông vẫn rất lớn. Ông tâm sự: “Tôi là con người của công việc, ngồi chơi không chịu được. Nếu để làm giàu cho gia đình, tới thời điểm này tôi đã quá đủ. Nhưng làm việc vì lợi ích chung, sẽ không bao giờ là đủ”. Ông chốt lại bằng giọng nói chắc nịch: “Nhưng phía trước không phải màu hồng đâu, mà rất nhiều chông gai”.
Truyền lửa đam mê Không phải tài sản vật chất, mà chính con cái mới là tài sản quý nhất và niềm tự hào lớn nhất của ông Thắng. 2 cô con gái sau khi lấy bằng M.A ngành luật và ngành kinh tế tại Australia đã về nước làm trợ thủ của bố. Cậu út đang là du học sinh, cũng sẽ trở về cùng gánh vác sự nghiệp gia đình khi tốt nghiệp đại học. Theo quan niệm của ông Thắng, dù hội nhập sâu rộng tới đâu cũng phải luôn nhớ mình là người Việt, là doanh nhân Việt Nam. Đó là thế mạnh lớn nhất trong hành trang hội nhập, và cũng là bài học nằm lòng ông muốn truyền lại cho các con mình. - Theo ông, thế hệ doanh nhân 5X của ông khác với thế hệ 8X, 9X của các con ông thế nào? - Mỗi thế hệ có một thế mạnh khác nhau. Thế hệ của tôi không được đào tạo bài bản. Thời trai trẻ tham gia quân đội. Đất nước giải phóng, trở về quê hương, vừa học vừa làm. Khởi nghiệp kinh doanh trong bối cảnh tranh tối tranh sáng, đến nay mới được xã hội ghi nhận. Đường đi gian nan như vậy, nên thế hệ chúng tôi có bản lĩnh vượt gian khó, tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Thế hệ doanh nhân 8X, 9X có điểm xuất phát tốt hơn rất nhiều. Các con tôi đều được đào tạo ở nước ngoài, có kiến thức và tầm nhìn rộng hơn. Nhưng hạn chế lớn nhất là không biết khó, biết khổ, vì thế khó có thể thấu hiểu giá trị những đồng tiền mình làm ra. Nhằm bù đắp thiếu hụt này, ông Thắng quyết định đưa các con về cùng làm để trực tiếp dạy dỗ. Ông Thắng tâm sự: “Con tôi làm ở đây khổ hơn chỗ khác. Hàng ngày phải đương đầu với rất nhiều công việc. Tôi thường dạy các con: “Con làm không phải để lấy lương. Vì con làm cho con. Đừng tính thời gian, đừng tính ngày đêm”. Tôi cũng luôn giáo dục các con không được có thái độ ông chủ với người lao động. Phải thực tâm quan tâm tới họ. Tôi muốn các con tôi mỗi ngày đều học được từ bố cách xử lý công việc, cách đối nhân xử thế. Tôi muốn truyền bản lĩnh của tôi cho các con của mình”.
|
Doanh nhân Nguyễn Văn Thắng còn được biết đến qua nhiều hoạt động xã hội, từ thiện ở Thái Nguyên. Các chương trình cất nhà cho người nghèo, tri ân người có công với nước thường xuyên có phần đóng góp của ông. Với ông Thắng, hoạt động từ thiện còn là một niềm đam mê, xuất phát từ tấm lòng của giới doanh nhân Việt. Từ khi mới thành đạt, ông đã xin được xây dựng lại ngôi chùa Sơn Dược ở xóm Trại quê ông. Sau này ông được biết đến nhiều hơn khi đầu tư trên 7 tỷ đồng tôn tạo Nhà tưởng niệm Bác Hồ trên đỉnh đèo De thuộc An toàn khu Định Hóa (Thái Nguyên). Sự tri ân của ông với các bậc tiền nhân, với đời và với người cũng là một phần của bài học thực tế ông dành cho các con và đội ngũ cộng sự của mình. |