Trong không khí của những ngày mùa Thu tháng Tám lịch sử này, chúng tôi có cuộc gặp gỡ, phỏng vấn ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nhiệt điện An Khánh - Một trong những doanh nhân tiêu biểu của cả nước đang có nhiều dự định được xem là táo bạo trong sản xuất, kinh doanh, nhất là việc đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện An Khánh I tại huyện Đại Từ. Đây là một trong những công trình nhiệt điện đầu tiên trong cả nước do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng, hứa hẹn sẽ đem lại nguồn lợi lớn cho địa phương và xã hội.
P.V: Được biết, vốn đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện rất lớn, trong khi có rất ít doanh nhân dám đầu tư vào lĩnh vực này và giá bán điện lại được Nhà nước tính thấp. Phải chăng đây là sự táo bạo và có phần hơi “liều” khi quyết định một việc hệ trọng như vậy?
Ông Nguyễn Văn Thắng: Ai cũng có sự đam mê và ấp ủ làm những điều tốt đẹp, nhưng trong thực tế có người làm được, người thì chưa vì nhiều lý do. Với tôi, là người con được sinh ra và lớn lên ngay trên mảnh đất Thái Nguyên giàu truyền thống cách mạng này là một vinh dự. Quả thật, chúng tôi đã rất mạnh dạn khi đi đến quyết định xây dựng Nhà máy Nhiệt điện An Khánh I. Chúng tôi đã phải tìm hiểu, tính toán rất kỹ, cân đối những thuận lợi, khó khăn và đề ra nhiều biện pháp, giải pháp để xây dựng và phát triển Nhà máy lâu dài, bền vững. Có lẽ tôi đã nợ mảnh đất này nhiều điều, nên khi còn điều kiện thì tôi sẽ làm tất cả cho quê hương.
P.V: Khi thực hiện dự án, được biết Công ty đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ Thủ tướng Chính phủ và các cấp Bộ, Ngành Trung ương, địa phương. Có người cho rằng ông đã rất “khéo” khi tranh thủ được sự ủng hộ này?
Ông Nguyễn Văn Thắng: Cái chính là phải nhìn rõ được mục đích của việc làm. Đó là việc làm vì lợi ích chung, tất cả vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội, vì một tương lai của tỉnh nhà và đất nước thì cũng nên tranh thủ sự ủng hộ từ nhiều phía. Hiểu và nhận thức tâm nguyện này, các cấp Bộ, Ngành Trung ương, địa phương và nhân dân trong vùng Dự án đã rất ủng hộ chúng tôi, đặc biệt là đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính bảo lãnh vay vốn nước ngoài để đầu tư Dự án. Đây là điều thuận lợi lớn cho chúng tôi.
P.V: Ông có thể cho biết tiến độ xây dựng Nhà máy hiện nay?
Ông Nguyễn Văn Thắng: Ngay sau ngày khởi công Dự án (30-1-2010), chúng tôi đã quán triệt đến Chi bộ Đảng, HĐQT, Ban giám đốc Công ty phải dồn hết tâm huyết để xây dựng Nhà máy. Vì thế, công tác phối hợp với các đơn vị liên quan để kiểm đếm, bồi thường, hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng của Dự án được tiến hành nhanh chóng, với diện tích mặt bằng 35ha. Công ty đã ký hợp đồng với các Nhà thầu xây dựng các công trình phụ trợ như; tường rào, nền móng Nhà máy, đường nội bộ, nhà điều hành, nhà ở công nhân; đường dây 110kv đấu nối với lưới điện Quốc gia; đường ống cung cấp nước từ sông Cầu phục vụ sản xuất điện; ký hợp đồng Tổng thầu EPC với Tập đoàn Điện khí Nhân dân Trung Quốc, với tổng giá trị hợp đồng 153 triệu USD, trong thời gian 24 tháng, trong đó có 6 tháng chạy thử. Hiện nay, Công ty đã bàn giao mặt bằng cho Nhà thầu, đồng thời Nhà thầu cũng đã bàn giao hồ sơ thiết kế cho Công ty, với quyết tâm đến tháng 8-2011 sẽ phát điện tổ máy số 1 và đến ngày 2-9-2012 sẽ phát điện tổ máy số 2, hoàn thiện toàn bộ quá trình xây dựng và phát điện của Nhà máy Nhiệt điện An Khánh I với tổng công suất phát tinh là 100MW.
P.V: Đây là Nhà máy có số vốn đầu tư và công suất khá lớn, vậy hiệu quả đem lại sẽ như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Thắng: Dự kiến mỗi năm Nhà máy sẽ sản xuất được 800 triệu kwh điện hòa vào lưới điện Quốc gia; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 500 lao động trực tiếp và làm dịch vụ; nộp ngân sách Nhà nước trên 100 tỷ đồng/năm góp phần đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH đất nước và đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia.Chúng tôi đang tiếp tục có kế hoạch xây dựng Nhà máy Nhiệt điện An Khánh II tại huyện Phổ Yên trong thời gian tới đây với công suất 300 MW với số vốn đầu tư khoảng 10.000 tỉ đồng. Khi Nhà máy đi vào hoạt động sẽ đóng góp trên 2 tỷ kwh điện/năm; tạo việc làm cho 1.500 lao động và nộp ngân sách Nhà nước từ 300 - 400 tỷ đồng/năm.
P.V: Ông vừa cho biết sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện An Khánh II tại huyện Phổ Yên. Như vậy, trước mắt trên địa bàn tỉnh sẽ có 3 nhà máy nhiệt điện. Vậy, ông có tính đến bài toán nguyên liệu để duy trì sản xuất của các nhà máy hay không?
Ông Nguyễn Văn Thắng: Duy trì ổn định nguồn nguyên liệu để phục vụ sản xuất điện của các nhà máy luôn là vấn đề quyết định hàng đầu. Ngoài việc khai thác than trên địa bàn, mới đây chúng tôi đã ký Thỏa thuận hợp tác đầu tư với hai đối tác ở Indonesia trước sự chứng kiến của Chính quyền địa phương Indonesia, Bộ Công thương Việt Nam và Lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên để đi đến thành lập Công ty liên doanh tổ chức khai thác than và khoáng sản tại hai mỏ than có trữ lượng 89 triệu tấn và 48 triệu tấn thuộc tỉnh Đông Kalimantan – Indonesia, xuất khẩu về Việt Nam đảm bảo nguyên liệu cho hoạt động của Nhà máy Nhiệt điện An Khánh II. Theo đó, Công ty liên doanh được thành lập với vốn điều lệ 20 triệu USD, dự kiến phía Việt Nam sẽ nắm giữ 70-80% vốn điều lệ. Theo thông tin mới nhất thì đến tháng 9-2010, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho Công ty cổ phần Nhiệt điện An Khánh. Như vậy, chúng tôi khẳng định vững chắc nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất của hai Nhà máy Nhiệt điện trong thời gian lâu dài.
P.V: Xin cảm ơn ông!