Báo chí Trung ương, địa phương đã tốn không ít giấy mực để viết về anh-một cựu chiến binh-một doanh nhân thành đạt và giàu lòng nhân ái Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nhiệt điện An Khánh thời gian qua quả không sai!
Mới đây, tôi có dịp gặp anh tại văn phòng Công ty trong chương trình làm việc hướng về Ngày kỷ niệm 36 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và Quốc tế lao động 1-5. Vẫn với phong thái thoáng đạt, câu chuyện giữa anh và tôi như không có hồi kết. Anh bảo: "Tôi đã có tuổi rồi nên cũng chẳng ham hố gì nhiều. Nếu vì tiền thì chẳng cần, chỉ gửi vào ngân hàng 1.000 tỷ đồng thì mỗi năm cũng được gần 200 tỷ đồng tiền lãi, đi nghỉ và du lịch khắp thế giới chả hết được. Vậy làm sao tôi phải lao tâm khổ tứ, ngày làm việc tới 17- 18 tiếng đồng hồ để rồi mệt mỏi sinh ra cáu bẳn với vợ con… Tôi làm là vì lợi ích chung, mục đích cuối cùng là góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, tạo thêm được nhiều công ăn việc làm cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo. Nói thật tôi là con người của công việc, ngồi chơi là không chịu được. Vì vậy, tôi đam mê làm việc như bị trời hành…Và có lẽ đó cũng là cái chất của anh lính “Cụ Hồ” đấy".
Được biết, quê gốc của anh ở thôn Lạc Thổ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Trước cách mạng tháng tám, lúc ấy ông nội anh mới 3 tuổi đã phải theo gia đình lên lập nghiệp ở vùng đất Đại Từ. Và cũng từ đó, Đại Từ được coi như quê hương thứ hai. Tính đến đời anh là thế hệ thứ 3 gắn bó với vùng đất này. Cũng có thể chế độ phong kiến xưa quy định dân ngụ cư không được ở trong làng mà phải ra ngoài trại ở, nên cái xóm gọi là quê hương thứ hai của anh mới có tên là xóm Trại đến tận bây giờ. Cụ thân sinh ra anh năm 17 tuổi đã tham gia hoạt động cách mạng, là cán bộ tiền khởi nghĩa. Tham gia chiến dịch Điện Biên xong về làm Chủ tịch rồi Bí thư Huyện uỷ Đại Từ, sau lên tỉnh làm Trưởng ty Tài chính thì nghỉ hưu. Mẹ anh, một phụ nữ nông thôn quanh năm lam lũ tần tảo.Theo chồng, bà cũng hoạt động rất tích cực trong Hội phụ nữ cứu quốc. Nhiều năm là Chủ tịch hội phụ nữ xã Bình Thuận, huyện Đại Từ. Bà cũng đã được vinh dự nhận Huy hiệu 40 năm tuổi đảng.
Hết phổ thông năm 1974, anh Thắng nhập ngũ vào bộ đội. Sau 7 năm quân ngũ, năm 1981 anh khoác ba lô trở về xóm Trại với gia tài vẻn vẹn 2 bộ quần áo. Mong muốn duy nhất của người lính trở về lúc đó là được đi làm nhà nước để có đồng lương, có sổ gạo. Anh hăm hở nộp hồ sơ xin được làm chân bảo vệ ở một cơ quan ở trên tỉnh, nhưng rốt cuộc thì tổ chức trả lời không nhận vì đã đủ người…Thấy vậy, bố anh động viên phải cố gắng đi học đại học để sau này có nghề nghiệp ổn định. Vừa rời ba lô quân ngũ lại tiếp tục khoác ba lô lên giảng đường là khó khăn, thách thức đối với anh. Sau 4 năm vừa đi học, vừa lấy vợ, anh cũng đã nhận được tấm bằng tốt nghiệp và về công tác tại Công ty xuất nhập khẩu Bắc Thái cho đến khi nghỉ chế độ.
Về nghỉ, anh thành lập Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư Thái Nguyên, bắt đầu hoạt động ngoài thương trường. Có quá nhiều việc phải làm, nhiều lúc đầu óc cứ căng ra như dây đàn nhưng anh vẫn phải cố gắng. Bên cạnh Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu & Đầu tư Thái Nguyên do anh làm Chủ tịch HĐQT, anh còn làm Phó chủ tịch Tập đoàn Baltic Titan; Phó chủ tịch HĐQT Công ty khai thác & chế biến khoáng sản Núi Pháo; Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nhiệt điện An Khánh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP khoáng sản An Khánh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp An Khánh.
Dự án mỏ Núi Pháo là dự án giữa Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư Thái Nguyên với Tập đoàn Masan. Dự án có tổng số vốn đầu tư là 450 triệu USD, khai thác Vonfram và Đa kim với công nghệ cao. Mỏ Núi Pháo được các cơ quan chuyên môn đánh giá có trữ lượng Vonfram khoảng 21 triệu tấn, lớn thứ 2 trên thế giới (sau Trung Quốc). Về Flo có trữ lượng lớn nhất thế giới khoảng 19,2 triệu tấn, và trữ lượng đáng kể bismuth, đồng, vàng… Thực hiện trên diện tích 635 ha tại huyện Đại Từ. Kế hoạch năm 2011 sẽ xây dựng xong nhà máy, tiến hành xây dựng cơ bản mỏ, cuối năm 2012 chạy thử và đi vào hoạt động. Hiệu quả kinh tế của mỏ Núi Pháo là rất lớn, hàng năm tạo việc làm trên 1500 lao động, đóng góp ngân sách tỉnh hàng trăm tỉ đồng và tạo giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng trăm triệu đô la Mỹ. Khi đầu tư chế biến sâu sẽ tạo ra điểm nhấn cho ngành công nghiệp luyện kim của Việt Nam.
Cùng với dự án Núi Pháo, dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện An Khánh 1 đến nay cũng đã khởi công và đang được thi công với tiến độ khẩn trương. Nhà máy có công suất 100 MW, sử dụng nguồn nguyên liệu than cám tại địa phương. Tổng vốn đầu tư khoảng 3.200 tỷ được xây dựng trên địa bàn xã An khánh, huyện Đại Từ. Cuối năm 2012 sẽ phát điện hòa vào lưới điện Quốc gia trên 800 triệu KWh/ năm. Dự án nhà máy nhiệt điện An Khánh II với công suất 300MW, vốn đầu tư 10 nghìn tỷ đồng tại huyện Phổ Yên đang được triển khai với tiến độ hoàn thành năm 2014. Để đảm bảo nguyên liệu cho việc sản xuất điện, anh và Công ty đã ký thỏa thuận hợp tác đầu tư với hai đối tác ở Indonesia trước sự chính kiến của chính quyền địa phương Indonesia, Bộ Công thương Việt Nam và UBND tỉnh Thái Nguyên. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho Công ty. Hiện nay, Công ty liên doanh VietIndo đã được thành lập với vốn đầu tư 20 triệu USD sẽ tổ chức khai thác than và khoáng sản. Phía Việt Nam nắm quyền sở hữu 70% tại Công ty Liên doanh. Khi nhà máy đi vào hoạt động, liên doanh sẽ tiến hành khai thác than tại 2 mỏ có trữ lượng 89 triệu tấn và 48 triệu tấn thuộc tỉnh Đông Kalimantan, Indonesia. Hướng đi này đảm bảo vững chắc nguồn nguyên liệu và hạ giá thành đầu vào so với than nhập khẩu, tạo hiệu quả kinh tế cao là điều đã được tính đến.
Có ý kiến cho rằng anh là người tham công, tiếc việc. Giữa lúc giá cả leo thang như hiện nay, anh lại bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để xây dựng khu Trung tâm thương mại 20 tầng bên cạnh chợ Thái là không có sự tính toán. Nếu đem số tiền đó để đầu tư việc khác hoặc chí ít đem gửi ngân hàng sẽ hiệu quả hơn nhiều. Anh nghĩ sao về vấn đề này? – Tôi hỏi. Anh trả lời: “Thật ra, những ý kiến nêu trên đều đúng cả. Không phải tôi không nghĩ đến. Nhưng mình làm là vì lợi ích chung, tôi xây dựng Trung tâm thương mại M.A.M là vì cộng đồng xã hội, vì diện mạo của thành phố. Chính vì thế nên cũng chưa bàn đến việc thu hồi vốn. Có điều, nay mai công trình đi vào hoạt động hẳn sẽ ý nghĩa hơn nhiều”.
Trong quá trình sản xuất, kinh doanh cũng có lúc thăng, lúc trầm, thế nhưng với anh Thắng lúc nào cũng mang trong tâm điều thiện và say mê làm từ thiện. Anh tâm sự: “Có lẽ nét đặc trưng nhất trong con người tôi là khát vọng làm giàu và say mê làm từ thiện”. Cũng từ quan điểm ấy, hàng năm anh và Công ty đã đóng góp nhiều để xây dựng nhà tình nghĩa cho các gia đình nghèo, gia đình chính sách trong tỉnh, kinh phí xây dựng đường nông thôn vùng sâu vùng xa, tôn tạo các công trình văn hóa, lịch sử, đài tưởng niệm các liệt sỹ…
Đã gần 30 năm rời quân ngũ, nhưng chất lính trong anh vẫn tràn đầy. Sự tự tin, bản lĩnh, niềm khát khao và đam mê công việc đã đưa anh đến bến bờ hạnh phúc, thành đạt. Hơn thế, anh lại tiếp tục được dành công sức, tâm huyết của mình, của người lính trên mặt trận kinh tế để góp phần xây dựng quê hương như một sự tri ân…